Phú quốc là hòn đảo có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững, với nhiều điều kiện thuận lợi Phú Quốc có tiềm năng phát triển và được định hướng trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm cỡ không chỉ quốc gia mà còn cả khu vực Đông Nam.
Phú quốc là hòn đảo có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững
I. Tiềm năng du lịch tự nhiên ở Phú Quốc
1. Vị trí địa lí Phú Quốc
Phú Quốc nằm ở cực Tây Nam thuộc Vịnh Thái Lan. Đảo có hình tam giác, cạnh đáy nằm ở hướng Bắc, nhỏ dần lại ở phía Nam, chiều dài của đảo trên 50km, nơi rộng nhất (ở phía Bắc đảo) là 25km, nơi hẹp nhất là 3km. Khoảng cách từ Phú Quốc đến thị xã Hà Tiên là 46km, đến thành phố Rạch Giá 115km, cách Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) 350km và cách thành phố Cà Mau 200km. Phú Quốc có đường bay ngắn và có đường biển gần với nhiều nước trong vùng Đông Nam Á. Với vị trí này, Phú Quốc có các lợi thế cạnh tranh để xây dựng khu du lịch quy mô bậc nhất Việt Nam.
2. Khí hậu Phú Quốc
Khí hậu Phú Quốc mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc có cường độ tương đối mạnh, tốc độ gió trung bình 4m/s, có khi lên đến 24m/s, độ ẩm trung bình 78%. Nhiệt độ cao nhất vào tháng 3 và tháng 4 (35oC). Đây chính là mùa du lịch, du khách thích đến Phú Quốc vào thời điểm này vì đây là thời điểm có thể tham gia được nhiều hoạt động du lịch ngoài trời như: lướt sóng, thuyền buồm, tắm nắng, tắm biển, lặn, thả dù... Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, tốc độ gió trung bình 4,5m/s. Mùa mưa mây nhiều, độ ẩm cao (85 - 90%). Lượng mưa trung bình 414mm/tháng. Lượng mưa trong mùa này là nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp cho cư dân trên đảo. Nhìn chung, khí hậu Phú Quốc nắng ấm quanh năm, thời tiết ít biến động, mùa khô ở đây trùng vào thời điểm mùa mưa ở các điểm du lịch của các nước trong khu vực như Singapore, Malaysiar… Do đó, Phú Quốc có lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế.
3. Sinh vật biển Phú Quốc
Biển Phú Quốc có 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá ở rặng san hô, 132 loài thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài cỏ biển (trong đó 9 loại đã được ghi nhận), có nhiều loài quan trọng như trai tai tượng, ốc đun cái. Đặc biệt, có loài đồi mồi đến vùng biển này đẻ trứng và sự xuất hiện của loài Dugong. Các bãi san hô luôn là sức hút đối vớinhững khách du lịch thích khám phá những sinh vật dưới lòng đại dương.
4. Bãi biển Phú Quốc
Bao bọc xung quanh Phú Quốc là biển với tổng chiều dài 150km. Có những bãi tắm đẹp như Bãi Cửa Cạn, bãi Khem, bãi Giếng, Bãi Cửa Cạn, bãi Vòng… với những ghềnh đá nhô ra bờ biển như mũi Dinh Cậu, mũi Ông Đội. Ở vị trí xa đất liền, xa các khu công nghiệp nên chất lượng nước biển, bãi tắm của Phú Quốc hơn hẳn những nơi khác.
5. Rừng Phú Quốc
Có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, như: hệ sinh thái rừng cây nguyên sinh cây họ Dầu, hệ sinh thái rừng trên núi đá, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng Tràm… Thành phần thực vật, động vật ở vườn quốc gia Phú Quốc rất phong phú và đa dạng: khoảng 470 loại thực vật cao, 150 loại động vật hoang dã, có nhiều động thực vật quý hiếm, có giá trị đặc hữu. Sinh cảnh chung của rừng Phú Quốc hiện nay có thể được coi là một trong những nơi hấp dẫn nhất Nam Bộ.
II. Tiềm năng du lịch nhân văn ở Phúc quốc
1. Văn hóa phi vật thể Phú Quốc
Phú Quốc không chỉ nổi tiếng là một hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn là một vùng đất mang đậm màu sắc văn hóa dân gian với những truyền thuyết, ca dao, dân ca, tín ngưỡng... Có nhiều đình chùa, miếu mạo, thờ cúng những vị thần có công khai đảo và những vị anh hùng đã được dân gian thần thánh hóa (như: cúng bà Kim Giao, cúng cầu an ở đình Dương Đông, cúng cô Sáu, cúng giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực...). Nét đặc sắc của văn hóa phi vật thể ở đảo Phú Quốc là mảng truyền thuyết. Hầu hết các địa danh du lịch trên đảo đều gắn với một vài truyền thuyết, như truyền thuyết về sự ra đời của đạo Cao Đài, về vua Gia Long - Nguyễn Ánh, về anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực… Có thể nói rằng, du khách đến đây đều rất hứng thú khi được nghe những mẩu chuyện li kì về “hồn thiêng sông núi”, dân dã mà cao siêu, đời thường mà thoát tục.
2. Văn hóa vật thể Phú Quốc
Cấu trúc nhà cổ ở Phú Quốc: Nhà cổ Phú Quốc giống như nhà rông ở Tây Nguyên, dạng nhà sàn, nhưng nó lại mang những nét riêng của nhà sàn vùng sông nước miền Tây Nam Bộ như: nhà sàn trong vườn, bên bờ sông, bờ rạch, bờ biển. Mục đích của nhà sàn ở Phú Quốc không phải để tránh thú dữ như vùng miền núi mà là để tránh cát thổi, tránh côn trùng, vì vậy cấu trúc nhà sàn nơi đây đơn giản hơn. Hiện nay, Phú Quốc có ngôi làng cổ (với khoảng 15 căn nhà), mọi sinh hoạt trong làng nguyên sơ từ nhà ở đến ăn uống, ứng xử vẫn giữ được nét điển hình truyền thống của cư dân bản địa rất độc đáo.
Nghệ thuật ẩm thực: Không thể thống kê hết các món ăn đặc sản ở Phú Quốc. Ẩm thực của Phú Quốc là điểm gặp gỡ, giao thoa cách chế biến của các dân tộc Việt - Hoa - Khmer tạo nên hương vị độc đáo khó lẫn với nơi khác. Nét đặc sắc rất Phú Quốc là ở chỗ: Những sản phẩm ấy không chỉ là sự ưu đãi của thiên nhiên mà cao hơn đó chính là ở bàn tay nhào nặn, chế biến đạt đến trình độ điêu luyện của con người sở tại. Với du khách, điều quan trọng mà họ muốn chiêm ngưỡng chính là quy trình làm ra sản phẩm và tài nghệ của các nghệ nhân.
Nếu bạn đang có nhu cầu lập dự án đầu tư tại hòn đảo có nhiều điều kiện thuận lợi này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn.
Tham khảo thêm một số dịch vụ của chúng tôi: